Với chiều dài dự kiến hơn 1.500 km, tuyến đường sắt mới sẽ chạy qua 20 tỉnh, thành, gần 60% đi qua cầu cạn và hầm. Chiều dài tuyến qua địa phận tỉnh Nghệ An là 85,40km, đi qua thị xã Hoàng Mai và 4 huyện: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên.
Chiều 31/7, đoàn công tác Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An. Đồng chí Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan, các địa phương có tuyến đường sắt cao tốc đi qua dự buổi làm việc.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được xây dựng mới, có chiều dài toàn tuyến khoảng 1.542 km, sẽ đi qua 20 tỉnh, thành. Theo Liên danh tư vấn, phần lớn tuyến đường sắt mới sẽ đi song song đường sắt hiện tại, song có một số đoạn sẽ đi tách ra tùy theo địa hình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền đề nghị Liên danh tư vấn cần tính toán vị trí đặt nhà ga, hướng tuyến hạn chế được khối lượng đền bù GPMB. Ảnh: Thu Huyền
Thay vì đi ven đèo như đường sắt hiện tại, đơn vị tư vấn nghiên cứu phương án đi xuyên qua núi tại Hải Vân, đèo Cù Mông, đèo Cả... Khoảng 50 - 60% chiều dài tuyến sẽ đi trên cầu cạn, cầu vượt sông, không có giao cắt đồng mức với đường bộ như đường sắt hiện tại. Diện tích chiếm dụng đất rộng khoảng 50m, bao gồm đường sắt và hành lang bảo vệ.
Tuyến đường sắt tốc độ cao là điều kiện tốt để phát triển kinh tế - xã hội, thuận lợi để khai thác quỹ đất, đô thị nén (hay còn gọi là đô thị nhỏ gọn).
Các ga dự kiến trên tuyến đường sắt tốc độ cao.
Tại buổi làm việc, đại diện Ban quản lý dự án đường sắt đã trình bày tóm tắt hướng tuyến phạm vi tỉnh Nghệ An, vị trí đặt ga.
Theo đó, chiều dài tuyến qua địa phận tỉnh Nghệ An là 85,40km, đi qua thị xã Hoàng Mai và 4 huyện là Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và Hưng Nguyên. Vị trí ga Vinh đặt tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, cách ga đường sắt hiện tại khoảng 5km về phía Tây.
Theo Liên danh tư vấn, hướng tuyến đi sát hành lang đường bộ cao tốc ở phía Tây tuyến tránh, trước khi đi thẳng vào ga Vinh. Từ ga Vinh tuyến sẽ đi thẳng về phía Nam, sau đó rẽ trái cắt qua QL 46, tuyến đường sắt. Hướng tuyến cắt qua sông Lam, đi gần song song với QL 1A sang địa phận tỉnh Hà Tĩnh.
Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Đức An phát biểu, cho rằng việc đặt ga ở TX. Hoàng Mai phù hợp hơn, vì đây là vùng kinh tế trọng điểm, cự ly thuận lợi... Ảnh: Thu Huyền
Sau khi nghe ý kiến đại diện các địa phương, ngành Xây dựng, Giao thông Vận tải, phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền cơ bản đồng tình với hướng tuyến do tư vấn thực hiện. Tuy nhiên, đoạn qua thị xã Hoàng Mai cần nghiên cứu phù hợp với quy hoạch của địa phương. Liên danh tư vấn cần tính toán vị trí đặt nhà ga, hướng tuyến hạn chế được khối lượng đền bù GPMB, thuận lợi cho việc kết nối bằng đường QL 46 và đường 72m đang xây dựng. Đoạn hướng tuyến phía Nam cần điều chỉnh hướng tuyến đi bên trái đường bộ cao tốc, nằm giữa đường bộ cao tốc và Quốc lộ 1A để hạn chế giao cắt với tuyến đường bộ cao tốc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền đề xuất với đoàn công tác, Ban quản lý dự án nghiên cứu đặt ga ở TX. Hoàng Mai thay cho ga Trường Lâm (Thanh Hóa) vì đây là vùng kinh tế trọng điểm, giao thông hiện hữu kết nối với các khu vực kinh tế phía Tây Nghệ An.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thu Huyền
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cơ bản đồng tình với các ý kiến, đề xuất của tỉnh, trong đó, đối với vị trí ga Vinh sẽ nghiên cứu hoán đổi vị trí đường sắt và đường bộ để thuận lợi trong bố trí tuyến dẫn vào trạm, giảm chi phí đầu tư xây dựng…
Về đề xuất đặt ga ở TX. Hoàng Mai, Thứ trưởng ghi nhận ý kiến của địa phương nhưng cần tìm hiểu không gian mặt bằng bố trí phù hợp.
Đề nghị Liên danh tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh dự án, trình Bộ Giao thông Vận tải vào tháng 9 và trình Chính phủ vào cuối năm.